Một vụ lừa đảo táo tợn mạo danh ê-kíp chương trình truyền hình nổi tiếng "Running Man" vừa được phát hiện tại Hàn Quốc, khiến dư luận xôn xao. Chiêu trò “no-show” (đặt chỗ rồi không đến) quen thuộc đã được kẻ gian nâng cấp, nhằm vào các cơ sở kinh doanh karaoke và nhà hàng trên toàn quốc.
Theo thông tin từ Sở Cảnh sát Suwon Nambu (tỉnh Gyeonggi), ngày 15/5, cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra sơ bộ đối với nghi phạm A – người bị cáo buộc giả danh đạo diễn sản xuất chương trình "Running Man" để lừa đảo chủ một quán karaoke, chiếm đoạt số tiền gần 3,9 triệu won (tương đương 70 triệu đồng Việt Nam).
Vụ việc xảy ra vào tối 13/5 tại một quán karaoke ở khu Ingye-dong, thành phố Suwon. Chủ quán – ông B – nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là "PD" (đạo diễn sản xuất) của "Running Man". Đối tượng còn gửi cả ảnh danh thiếp và thông báo rằng khoảng 30 thành viên ê-kíp sẽ đến quán để tổ chức tiệc liên hoan sau 2 tiếng nữa. Với "thương hiệu lớn" như Running Man, ông B không chút nghi ngờ và lập tức nhận đặt chỗ.
Sau khi đặt chỗ thành công, A tiếp tục gọi lại, yêu cầu chuẩn bị 3 chai rượu whisky cao cấp, nói rằng có "các quan chức cấp cao" đi cùng. Tuy nhiên, quán của ông B không có sẵn loại rượu này. Khi ông B cho biết không tìm được rượu, A lập tức đưa ra “giải pháp”: Hãy liên hệ với một nhà cung cấp rượu quen thuộc, đồng thời gửi ảnh danh thiếp của một người tên C đại diện công ty phân phối rượu.
Cái bẫy được dựng lên tinh vi. Công ty của C có thật, dễ dàng tìm kiếm trên mạng, khiến ông B hoàn toàn tin tưởng. Sau khi gọi điện cho C và xác nhận đơn hàng, ông B đã chuyển khoản số tiền 3,9 triệu won, bao gồm tiền rượu và phí giao hàng.
Sau khi nhận tiền, A chỉ nhắn một tin ngắn gọn: “Lịch quay bị kéo dài, không thể đến được.” Từ đó, mọi liên lạc đều bị cắt đứt. Ông B lập tức yêu cầu hoàn tiền từ phía C – người nhận tiền – nhưng người này cũng... biến mất.
Sau khi kiểm tra lại, ông B phát hiện ra danh tính và số điện thoại thật của đại diện công ty rượu hoàn toàn khác với thông tin trên danh thiếp được gửi trước đó. Tên người nhận tiền trong tài khoản ngân hàng cũng không trùng khớp với C. Khi nhận ra mình bị lừa, ông B đã nhanh chóng trình báo vụ việc cho cảnh sát vào ngày 14/5.
Ngay sau khi vụ việc được truyền thông đưa tin, phía ê-kíp chương trình "Running Man" đã đăng thông báo chính thức trên website vào ngày 15/5: “Gần đây xuất hiện nhiều trường hợp giả danh ê-kíp sản xuất để yêu cầu đặt hàng số lượng lớn rượu cao cấp. Chúng tôi xin khẳng định không bao giờ thực hiện những yêu cầu như vậy. Nếu nhận được những liên lạc đáng ngờ, người dân tuyệt đối không nên phản hồi và cần thận trọng để tránh bị lừa đảo.”
Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng xấu mạo danh người nổi tiếng hoặc tổ chức truyền hình để thực hiện hành vi lừa đảo. Gần đây, nhiều nhà hàng, quán bar và karaoke trên khắp Hàn Quốc đã trở thành mục tiêu của các vụ “no-show” chiếm đoạt tiền đặt cọc, chi phí nguyên vật liệu hoặc mua sắm hàng hóa đắt tiền.
Cảnh sát đang tích cực điều tra và kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, xác minh kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào liên quan đến các yêu cầu bất thường.
Đăng nhận xét